Bộ Xây dựng đề xuất đánh thuế người sở hữu nhiều bất động sản vì cho rằng giá nhà đất tăng mạnh vừa qua có sự tham gia của nhóm đầu cơ.
Việt Nam tính đánh thuế sở hữu nhiều nhà, một nước ASEAN áp luôn thuế suất 30% nếu bán nhà có lãi- Ảnh 1.
Đề xuất trên được Bộ Xây dựng nêu trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ về nguyên nhân bất động sản tăng giá. Cơ quan này cho biết sẽ nghiên cứu, đề xuất chính sách đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời. Bộ Tài chính được yêu cầu cùng nghiên cứu, tham mưu chính sách thuế với nhà đất thứ hai hoặc bỏ hoang, không sử dụng.
Đề xuất của Bộ Xây dựng đưa ra trong bối cảnh giá bất động sản, nhà ở liên tục tăng mạnh từ đầu năm đến nay. Trong văn bản gửi các địa phương trước đó, Bộ cho biết một số phiên đấu giá đất huyện ven gần đây có giá trúng cao gấp nhiều lần khởi điểm.
Điều này làm ảnh hưởng tới tình hình phát triển kinh tế – xã hội và sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.
Việt Nam tính đánh thuế sở hữu nhiều nhà, một nước ASEAN áp luôn thuế suất 30% nếu bán nhà có lãi- Ảnh 2.
Hôm 27/9, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết Bộ Tài chính đồng tình với đề xuất này và sẽ nghiên cứu đánh thuế người sở hữu nhiều nhà đất.
Mới đây, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng đề xuất chính sách thuế bất động sản áp cho hai đối tượng, gồm người mua căn nhà thứ hai trở lên và chủ sở hữu bỏ hoang dự án. Mức thuế sẽ tăng dần với giao dịch mà người bán có thời gian sở hữu ngắn.
Malaysia, Singapore áp thuế bất động sản gắt gao
Tại Malaysia , Thuế thu nhập từ bất động sản thực (RPGT) là sắc thuế áp trên lợi nhuận thu được do bán nhà, khi giá bán lại cao hơn giá mua. Loại thuế này tính trên cả công dân, thường trú nhân, người nước ngoài lẫn doanh nghiệp sở hữu nhà.
RPGT được thực hiện lần đầu tiên vào năm 1995 và đã chứng kiến khá nhiều thay đổi trong những năm qua. Bản sửa đổi RPGT gần đây nhất được công bố năm 2022 và thực hiện từ tháng 1/2022.
Việt Nam tính đánh thuế sở hữu nhiều nhà, một nước ASEAN áp luôn thuế suất 30% nếu bán nhà có lãi- Ảnh 3.
Theo đó người Malaysia và thường trú nhân bán tài sản của họ trong năm thứ sáu và những năm tiếp theo sẽ không còn phải trả 5% RPGT nữa. Ngược lại, người nước ngoài và các công ty sẽ được duy trì mức thuế RPGT là 10%.
Trước đây, công dân và thường trú nhân Malaysia bán bất động sản sau 5 năm sở hữu phải trả 5% thuế RPGT cho lợi nhuận thu được từ việc bán.
Trước thời điểm 5 năm này, các đối tượng trên phải chịu thuế suất đến 30% trong 3 năm đầu . Giảm còn 20% và 15% trong 2 năm sau đó cho nhóm công dân, thường trú nhân Malaysia và doanh nghiệp. Riêng nhóm người nước ngoài vẫn chịu 30% trong suốt 5 năm.
Nếu mua thêm căn nhà thứ hai, người dân và doanh nghiệp tại Singapore sẽ phải trả thuế trước bạ bổ sung (Additional Buyer’s Stamp Duty). Thuế này được áp dụng tùy từng đối tượng.
Công dân Singapore sẽ phải trả 20% thuế nếu mua nhà thứ hai và 30% với căn nhà thứ ba . Hai mức thuế này với thường trú nhân (PR) lần lượt là 30% và 35%.
Còn với người nước ngoài, các tổ chức và doanh nghiệp bất động sản, thuế trước bạ bổ sung được áp dụng với mọi giao dịch, ở mức 35-65%. Mức thuế này áp dụng từ tháng 4/2023, cao hơn đáng kể so với mức cũ giai đoạn tháng 12/2021-4/2023.
Việt Nam tính đánh thuế sở hữu nhiều nhà, một nước ASEAN áp luôn thuế suất 30% nếu bán nhà có lãi- Ảnh 4.
Tại Indonesia , thuế đất đai và nhà cửa (Pajak Bumi dan Bangunan hoặc PBB) phải nộp hàng năm tối đa 0,5% giá trị thị trường do chính quyền khu vực xác định.
Thuế được ấn định ở mức 2,5% giá trị chuyển nhượng hoặc giá trị thị trường do chính quyền khu vực xác định, tùy theo mức nào lớn hơn.
Trong trường hợp chuyển nhượng đất đai và nhà cửa, bên mua phải chịu trách nhiệm về nghĩa vụ mua lại quyền sử dụng đất đai và nhà cửa (Bea Pengalihan Hak atas Tanah dan Bangunan hoặc BPHTB) ở mức 5% giá trị giao dịch hoặc giá trị thị trường do chính quyền khu vực xác định, tùy theo mức nào lớn hơn.
Tại Philippines , Bộ luật Chính quyền địa phương (LGC) cho phép một tỉnh, thành phố hoặc một đô thị trong Metro Manila đánh thuế hàng năm đối với bất động sản như đất đai, tòa nhà, máy móc và các cải tiến trong đó.
Một mức thuế bất động sản cơ bản (RPT) thống nhất áp dụng cho các địa phương tương ứng sẽ được áp dụng như sau: (a) không quá 1% giá trị thẩm định của bất động sản trong trường hợp của một tỉnh và (b) không quá 2% giá trị thẩm định trong trường hợp của một thành phố hoặc đô thị trong Metro Manila.
Giá trị thẩm định sẽ được xác định bằng cách áp dụng tỷ lệ thẩm định (dao động từ 10% đến 80% tùy thuộc loại và mục đích sử dụng thực tế của bất động sản) vào giá trị của tài sản dựa trên biểu giá thị trường (SMV).
Nguồn: CafeBiz
𝗧𝗿𝘂𝗻𝗴 𝗧𝗵𝘂̛̣𝗰 𝗟𝗮𝗻𝗱
𝘕𝘰́𝘪 𝘵𝘳𝘶𝘯𝘨 𝘵𝘩𝘶̛̣𝘤 – 𝘓𝘢̀𝘮 𝘵𝘳𝘶𝘯𝘨 𝘵𝘩𝘶̛̣𝘤
Liên hệ tư vấn đầu tư tại TTL: 036.666.6688
Nhóm zalo: https://zalo.me/g/unqlzd362